TỔ NGỮ VĂN: THÂN THIỆN, TÍCH CỰC VÀ CHẤT LƯỢNG
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Vì lợi ích trăm năm trồng người.
Mấy mươi năm đi qua, ấy vậy mà lời Người dạy vẫn còn nguyên giá trị. Sự nghiệp trồng người với mỗi thầy cô giáo là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng và tất nhiên cũng không kém phần vất vả. Bởi vậy sự rèn luyện, học và tự học ở mỗi người thầy có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp ấy. Tổ Ngữ văn, mỗi người thầy không chỉ dạy “văn” mà còn dạy “nhân-đức-trí-lễ” – vẫn miệt mài chuyên tâm đầu tư cho công việc dạy người, dạy chữ. Điều này thể hiện qua các hoạt động của tổ xuyên suốt cả quảng thời gian từ khi thành lập trường đến nay.
“Mỗi người thầy là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”! Khả năng tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu bài dạy đã trở thành niềm đam mê trong các thầy, các cô. Cô Tố Hương, cô Xuân An -với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đã thể hiện một cách thuyết phục về tấm gương tự học, tự nghiên cứu. Những trang giáo án, những bài giảng đi vào lòng các em không phải tư duy tự nhiên mà có. Sự dày công với bao tâm huyết, tình yêu nghề, yêu con trẻ, các cô đã thổi vào các em niềm đam mê để rồi sự thành công chính là những giải thưởng vinh dự mang về cho tập thể tổ, cho trường và hiển nhiên trong đó là cả niềm tự hào của mỗi thầy cô giáo. Chưa tròn ba năm thành lập trường, tổ đã có bao thành tích từ phía học sinh: ba giải Nhất, một giải Nhì, ba giải Ba và nhiều giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp Thành phố; ba giải Nhì, bốn giải Ba và tám giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp Quận. Thành quả ngọt ngào đáng tự hào ấy cũng chính là một trong những yếu tố đưa tập thể tổ trở thành một tập thể Lao động tiên tiến cấp Quận trong nhiều năm liền. Và trên chặng đường phía trước, thành quả hôm nay sẽ là động lực ngày mai.
Bên cạnh những cô giáo dày dạn kinh nghiệm vẫn còn đó bao cô giáo trẻ với ý thức vươn lên, học hỏi và tự rèn luyện trau dồi chuyên môn. Cô Hồng Nhung là một ví dụ điển hình. Mới ra trường chưa được bao lâu song hoạt động chuyên môn cô tham gia tích cực. Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-Learning do Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức là một sân chơi bổ ích, thể hiện rõ sự đổi mới trong cách dạy học trực tuyến. Hòa cùng sân chơi mang đậm yếu tố chuyên môn ấy, cô Hồng Nhung đã vinh dự mang về cho tổ giải Khuyến khích. Có thể đó là thành tích chưa cao song lại là động lực để cô tiếp tục vươn mình đến những tầm cao hơn. Và âu đó cũng chính là điều mà biết bao thầy cô giáo sau cô tiếp tục học tập vì sự nghiệp trồng người chung của giáo dục.
Tuy nhiên, không có sự đồng lòng, chung tay không tạo nên sức mạnh tập thể để làm nên thành công chung của tổ. Mỗi thầy cô giáo ở tổ luôn ý thức xây dựng, phát triển. Sự học hỏi lẫn nhau trở thành thói quen ở mỗi thầy cô giáo. Những giờ thao giảng nhóm, tổ giờ đây không còn là của cá nhân của mỗi thầy cô mà đó là tiếng nói chung. Đóng góp ý kiến, thiết kế một giờ dạy để cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đã trở thành hoạt động trong mỗi giờ thao giảng. Và điều ghi nhận từ những hoạt động ấy là tất cả vì học sinh thân yêu, vì hiệu quả của những giờ lên lớp.
Vẫn biết rằng còn đó sự non trẻ của tổ cả về công tác quản lí, công tác chuyên môn bởi thành lập trường chưa tròn ba năm; TTCM cũng chỉ mới làm công tác quản lí tổ chừng ấy thời gian; bên cạnh đó lại là đội ngũ giáo viên trẻ mới ra trường, mới bắt đầu công tác giảng dạy và kiêm nhiệm hẳn sẽ còn nhiều vướng mắc. Thế nhưng bằng sự đồng lòng, chia sẻ, bằng cả nhiệt huyết của những thầy cô giáo với tấm lòng yêu trẻ, yêu trường mà tất cả các thành viên của tổ cùng nhau thực hiện tốt công việc dạy người, dạy chữ cho đàn em thân yêu. Và cũng bởi tình yêu ấy, mỗi thầy cô giáo trong tổ Ngữ văn với phương châm “thân thiện, tích cực và chất lượng” hãy luôn là tấm gương tự học, tự rèn vì “lợi ích trăm năm trồng người”.