MÊNH MANG DÒNG CẢM XÚC

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

     Tháng Năm lại về. Nắng vàng ươm trùm lên mọi vật. Góc sân trường, chùm phượng đỏ cháy hết mình cho những mùa thi. Giữa bộn bề công việc, thầy và trò Trường THCS Nguyễn Lương Bằng tất bật trong những hoạt động dạy học vẫn không quên những ngày tháng Năm lịch sử: chiến thắng Điện Biên, mừng Sinh nhật Bác …

61766933_754284804988288_1498071119532392448_n

     Vẫn là buổi chào cờ đầu tuần. Nhưng hôm nay có khác: Cuộc thi kể chuyện theo sách vòng chung kết. Bất ngờ, giọng ai đó trầm ấm, vang lên. Mọi ánh mắt đổ dồn về nơi thanh âm ấy…

61591234_586572211833457_7736560431786885120_n

     Chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa. Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ …

     Đó là hình ảnh cậu học trò nhỏ nhắn – Phi Long lớp 6/1 – bắt đầu cho câu chuyện về Bác: “Trước lúc Người đi xa, tình yêu Người dành cho không chỉ với dân tộc mà tình yêu ấy còn thắm đượm với những khúc dân ca. Với muôn vàn câu chuyện kể về Người, hôm nay, cảm xúc mãnh liệt của em dâng lên khi kể về những phút giây cuối cùng trong cuộc đời Bác – đó là câu chuyện về tình yêu của Người dành cho những khúc hát dân ca.

61864523_2405553356345970_3283890440713011200_n

Bác Hồ – Người sinh ra từ làng Sen xứ Nghệ. Nơi ấy, Người đã gắn với bao câu hò ví dặm. Tình yêu từ những khúc dân ca cứ thế lớn dần lên trong nỗi nhớ. Để rồi trước lúc “vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay”, những làn dân ca vẫn theo Người vào cuộc trường sinh ấy.

9 giờ 47 phút ngày 02/9/1969 trái tim vĩ đại của dân tộc đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào cả nước. Sinh ra và lớn lên từ trong câu hát dân ca, từ điệu ví dặm ầu ơ ngọt ngào đằm thắm của mẹ, cuối cùng Người thanh thản nhẹ nhàng bước vào cuộc trường sinh bằng âm hưởng của tiếng hát dân ca mang cả hình ảnh quê hương xứ sở, hình ảnh miền Nam yêu thương ruột thịt. Cả cuộc đời Người sống cho nhân dân, không gợn chút riêng tư: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng”. Và hành trang Người mang theo thật bình dị: âm hưởng những khúc dân ca. Người đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc, thấm thía: “Rằng đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca.”

     Âm thanh ngưng lại. Cả sân trường rộn lên tiếng vỗ tay. Nhưng đâu đó, vài em đưa tay quẹt ngang mắt. Những câu chuyện về Người chưa bao giờ xưa cũ và mãi xúc động lòng người.

     Tiếp đến, bao ánh mắt hướng về em Hoài Thư – người tiếp quản sân khấu với câu chuyện địa danh lịch sử: “Lịch sử căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước (1960-1975)”

61733528_604294210076919_4457185221472681984_n

“Ngược dòng thời gian … những bãi cát trắng chạy dài nối nhau, cây hoang cỏ dại, nằm lọt thỏm trong hệ thống liên hợp quân sự Mỹ và chính quyền Sài Gòn, kho hậu cần khổng lồ Bàu Mạc, trận địa pháo 44, khu vực đóng quân của Biệt động quân Sài Gòn, trạm gác…, nhưng B1 Hồng Phước, Liên Chiểu đã được xây dựng thành 1 căn cứ lõm Cách mạng với nhiều hộ gia đình đều là cơ sở Cách mạng.

     Ngày ấy, giữa vòng vây và lùng sục ngày đêm của quân thù, các gia đình ở Hồng Phước đã đào biết bao căn hầm bí mật cả trong nhà, ngoài vườn, dưới cả những cây rơm nhằm nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích. Và cũng từ đây xuất phát nhiều trận đánh vào lòng địch. Đó là những căn nhà của các mẹ (Phạm Thị Miên với 7 căn hầm bí mật, gia đình mẹ Hà Thị Mau có 4 căn hầm, gia đình mẹ Nguyễn Thị Liên với 3 căn hầm, gia đình mẹ Lê Thị Cảnh 2 căn hầm, mẹ Phạm Thị Dĩ 4 căn hầm) Mỗi căn hầm bí mật là nơi ẩn náu, ém quân từ 3 – 5 đồng chí cách mạng.

     Với vị thế của mình, đầu làng nhìn từ phía Tây Bắc của Hồng Phước lên núi Hải Vân và cánh Bắc Hòa Vang, đầu làng phía Nam nhìn vào núi Thanh Vinh, ở hai đầu làng này là nơi các cơ sở Cách mạng Hồng Phước có những ngọn đèn dầu làm tín hiệu. Tiêu biểu trong số ấy có ngọn đèn của gia đình bà Phạm Thị Dĩ. Vị trí ngôi nhà của mẹ Dĩ là hướng duy nhất để các lực lượng về hoạt động. Cũng từ tín hiệu này mà hơn 20 năm tồn tại trong lòng địch, cơ sở nuôi dấu lực lượng cách mạng mà không bị địch phục kích.

     Cũng những năm tháng ấy, biết bao đứa trẻ ở tuổi còn ham chơi nhưng đã ý thức lòng căm thù giặc. Những cậu bé chăn trâu, cắt cỏ sớm trở thành những giao liên. Cậu bé Thị năm xưa con mẹ Dĩ là một trong số ấy. Một buổi đi học ở trường làng, một buổi ở nhà vừa giữ trâu vừa giúp mẹ che giấu cán bộ. Và có lẽ ai đã là người con Liên Chiểu, hẳn sẽ biết về cậu bé năm xưa giờ đã từng là người đứng đầu Quận nhà trong những năm tháng bình yên của đất nước!

images1353477_hp13

 

     Trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ, nơi đây để lại những di tích có giá trị lịch sử cao, minh chứng cho sức mạnh tiềm tàng của nhân dân Liên Chiểu nói riêng và cả nước nói chung. Đó là di tích khu B1 Hồng Phước, chiến thắng Đồn Nhất, di tích Kho xăng Liên Chiểu, Chiến tích Cầu Thủy Tú.

     Cũng từ những năm tháng khói lửa của chiến tranh, hôm nay chúng ta mới có thể hình dung ra toàn vẹn vùng căn cứ Hồng Phước ngày xưa, mới hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh và hiểu vì sao ta chiến thắng. Bởi vì quân đội ta có nhân dân, có những người con ưu tú ở quê hương Liên Chiểu – nơi được xem là “cái nôi của lòng yêu nước…”

dsc09224-15_35_47_888

     Hai câu chuyện thật sự mang lại cảm xúc cho mỗi người nghe, gieo thêm vào lòng người tình yêu lớn lao hơn nữa đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, với những giá trị bền vững qua những làn dân ca. Và thắp lên trong lòng chúng ta tình yêu nước, lòng tự hào về những người dân quê hương Liên Chiểu để mỗi người cùng tiếp bước cha anh, quyết tâm xây dựng quê hương Liên Chiểu, dựng xây nước nhà.

61690939_2442075552470652_105712146020564992_n

     Trời cao và rộng hơn, nắng xuyên qua từng kẻ lá. Buổi chào cờ khép lại nhưng mở ra mênh mang bao điều mới lạ…

 

Bài dự thi: Bài viết hay, hình ảnh đẹp của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng – Tác giả: Trương Thị Thủy – TTCM Ngữ văn