“HỘI TRẠI THÂN THIỆN 8/3” TRONG TÔI
Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:
Căn dặn.
Nở một nụ cười thật tươi (mà hình như chưa bao giờ tươi hơn như thế), thầy Hiệu trưởng Phạm Thanh Bửu nhắc nhở về kỉ luật, về tinh thần đoàn kết, thân ái của tất cả trại sinh khi tham gia “Hội trại Thân thiện 8/3” do ngành Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu tổ chức. Tự nhiên trong người thấy rạo rực. Có lẽ cảm xúc này không riêng một ai.
Cô Duệ, Phó hiệu trưởng phát áo đồng phục cho từng tổ. Thầy Ca “xúng xính” với chiếc áo đồng phục. Hơi chật. Nhưng không sao! “Mặc được là tốt rồi”-thầy bảo thế.
Chao ôi, thầy Bửu, thầy Nhân, thầy Học, thầy Hồng “thon gọn” quá! Không có cỡ áo để mặc. Tức tốc đặt làm áo tiếp theo. Dường như mọi việc có vẻ đang rất khẩn trương.
Duyệt lại.
Sự nghiêm túc thể hiện lòng tôn trọng. Quả vậy. Thầy Lam điều hành hướng dẫn tập thể trại sinh khi đi qua lễ đài. Khán đài chỉ có một đại biểu, đó là…Hiệu trưởng! Đang tập mà. Học sinh đứng nhìn xung quanh và vẫy tay theo. Vui.
Lên đường.
Toàn bộ trại sinh nam tập trung theo hướng dẫn của thầy Ngô và nhập trại dựng cổng. Sung nhất có lẽ thầy Ca, tổ Ngữ văn-Nhạc-Mĩ thuật. Vất vả cho thầy Ngô và toàn bộ trại sinh nam rồi! Mà hình như các thầy không có khái niệm “vất vả”.
Nhập trại.
16 giờ tất cả trại sinh nhập trại. Mỗi người một việc, hoàn thành nốt phần còn lại để hoàn thiện. Chưa bao giờ tính tập thể lại phát huy cao như thế! Thầy Ngô nói vui: “Giải toàn đoàn nếu mình nhận chắc vui lắm!”. Ừ, cứ chờ xem. Lại thấy háo hức.
Bữa cơm đầu tiên tại trại khá vui. Phần này công thuộc về Công đoàn. Miếng sườn to quá không thấy cơm đâu. Cô Hà cần xem lại nếu không chị em “béo phì”, về nhà chồng bỏ, chồng chê.
Còn gian hàng của cô Uyên, cô Yên, cô Loan, cô Ý, cô Thanh Vân sao đắt khách đến thế. Có lẽ các cô xinh quá. Hơn nữa, khách đến mua còn được mãn nhãn với màn nhảy tự do của cô Uyên và thầy Lam. Kiểu nhảy này chỉ có tại chợ quê của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng. Thầy Hiệu trưởng mà thấy chắc không dám nhìn luôn…Còn món cốc dầm “tuyệt cú mèo”. Khách đến một lần sẽ có dịp ghé tiếp lần sau bởi sự hiếu khách, thân thiện, dễ mến của những “thôn nữ” nơi đây.
Ngày 7 tháng 3.
Quản trò.
Khởi động bằng những trò chơi nhỏ. “Con bướm xinh, con bướm xinh…đậu trên ngực bạn mình.” Trời ơi, thầy Nhân, thầy Cầu, thầy Lam, thầy Minh và còn bao nhiêu thầy khác nữa, định đậu ở đâu vậy?.
Và “cầm tay nhau đi, xem ai có ngại ngùng gì…, sờ vào tim nhau đi…sờ vào đùi nhau đi, chọt vào đùi nhau đi…” Nguy hiểm quá các thầy cô ơi! Dừng lại thôi. Nhưng dừng không phải do nguy hiểm mà do…đau bụng quá! Cười đau bụng quá!
Không thể quên hình ảnh thầy Cầu, Phó hiệu trưởng trả lời những câu “hỏi xoay, đáp xoáy” về 4 nữ anh hùng dân tộc. Trí nhớ tốt thật. Dân “Lí” đấy. Nhưng sao môn “Lịch sử” và “Văn học” thầy sỏi thế không biết. Mười câu trả lời đúng. Thuyết phục!
Càng không thể quên hình ảnh thầy Nhân, cô Bích Huy biểu diễn “tình cảm” trên sân khấu giữa thanh thiên bạch nhật. Thầy Nhân trong tư thế hít đất, cô Bích Huy ngồi trên lưng thầy. Một, nhún! Hai, nhún! Ba….bẹp! Cười vỡ bụng. cô Bích Huy mới làm hai phát thầy Nhân đã “hết xí quách”, bẹp như con cá lẹp. Không sao. Nụ cười vẫn rạng rỡ trên gương mặt thầy Nhân…
Và…bắt đầu cho những sân chơi.
Múa sạp.
Cổ vũ đau cả cổ. Đẹp quá. Phần mở đầu thật ấn tượng với lá cờ tung bay. Phần kết khỏi phải nói. Không nhớ đoạn kết là mất…nửa thời gian đi trại. Biểu tượng để lại trong lòng người xem ấn tượng mạnh mẽ. Ai cũng trầm trồ “ý nghĩa”. Nhưng kết quả của Ban Giám khảo mới…ý nghĩa hơn! Trường THCS Nguyễn Lương Bằng vào chung kết! Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng đều đứng ngay dưới chân sân khấu. Thầy Lam ơi! Sao thầy kênh kiệu vậy? Mới vòng đầu thôi mà!
Thi xe đạp bỏ bóng vào giỏ.
Sáu trại sinh cùng ba xe đạp tham gia. Xe đạp mình đi mượn nhưng sao cũng có nhiều trường mượn mình vậy nhỉ? Hình như bánh xe “to” sẽ đạp nhanh. Không sao. Thân thiện mà. Cho mượn. Đến lượt vào thi, sáu cô tham gia: cô Thảo (toán), cô Thủy (văn), cô Phương (thể dục), cô Ý, cô Sinh, cô Uyên (văn phòng). Trời ơi, thi đua xe bỏ bóng vào giỏ mà cô Thủy (văn) lại đi “bắt ếch”. Không biết cảm giác đau lúc ấy biến đau mất. Chạy tiếp thôi. Đội bạn vẫn đang trên đường đua. Kết quả: 14 bóng, vào chung kết. Cười toe toét.
Thi kéo co.
Tính tập thể thể hiện rất rõ. 10 cô gái của THCS Nguyễn Lương Bằng sắp thể hiện sức mạnh của “cơ bắp”. Tự dưng nhiều thầy “dạy kéo co” xuất hiện. Nào là đừng hạ thấp người quá, nào là nghiêng người ra sau, nào là người đứng đầu và sau cùng phải biết trụ vững. Rối tung cả lên. Thầy Cầu, phó Hiệu trưởng, hình như tìm cách “quay video” lưu lại. Leo lên một cành cây, thầy nhìn sang đội hình kéo co. Bên này các cô tìm cách “quay” thầy. Nhưng xa quá. Cô Thủy (văn) chạy vào gian hàng chợ quê, lấy “bò húc”, vội quá bởi sắp đến giờ thi đấu rồi, suýt húc vào cô Chín (hóa). Mỗi người chỉ có một ngụm mà sao “húc” cũng tốt thật. Trận đầu, trận hai thắng một cách thuyết phục. Cổ vũ vui ơi là vui. Chứng kiến kéo co là vui nhất. Không xem, bỏ phí cả thời gian đi trại!
Thi dân vũ và nhảy.
20 thầy cô tham gia. Múa đều, đẹp. (Nhớ lại những lần tập ở trường, mỗi lần mở nhạc lên, mình lại rạo rực, muốn nhập hội.) Đội hình có cả nam và nữ. Có thể nói xen kẻ nam nữ chỉ có ở THCS Nguyễn Lương Bằng. Nhưng sao mình không vô được chung kết nhỉ? Hiểu rồi. Trang phục chưa bắt mắt lắm. Có thể là cảm nhận chủ quan. Nhưng nhìn mầm non và tiểu học, độ “ăn chơi” của họ hơn ta rồi. Đồng phục từ áo đến váy, đến giày và cả nơ cài tóc nữa. Thôi chờ đấy! Hội trại lần sau ta thể hiện tốt hơn.
Đêm ngày 7 tháng 3.
Đốt lửa trại!
“Lửa trại đêm nay lung linh soi sáng bao gương mặt tươi sáng. Lửa trại đêm nay xôn xao chia ấm bao tâm hồn nồng nàn…” Không gì vui hơn nữa. Tiếng hò hét của niềm vui, tiếng quản trò cười đau cả ruột. Có ai đó nói “Ông này dẫn hay nhỉ”. Ừ. Hay thật. Ban tổ chức mời người dẫn chương trình thật tuyệt. Cảm ơn Ban tổ chức có một sân chơi vui vẻ, đoàn kết, thân thiện!
Ngày 8 tháng 3.
Toàn bộ trại sinh tập trung trước khán đài. Thầy Hiệu trưởng kiểm tra quân số. Một cô nói: “Sao thầy căng thế ?” Dễ hiểu mà. Trại sinh chưa tập trung đủ. Khoảng hơn một phút sau. Đủ cả. Trừ những trại sinh đã xin phép.
Phần tổng kết và trao giải diễn ra trong sự chờ đợi, háo hức của mọi người. Hội trại thân thiện, rõ rồi. Có lẽ vậy nên trường nào cũng có giải. Tất cả các Hiệu trưởng tập trung về khán đài. Hàng loạt Hiệu trưởng của các trường bước lên phía trước ba bước. Không có THCS Nguyễn Lương Bằng. Tiếp theo một số Hiệu trưởng lại tiếp tục bước lên. Vẫn không có THCS Nguyễn Lương Bằng…Và cuối cùng, THCS Nguyễn Lương Bằng nhất toàn đoàn. Những gương mặt vẫn còn chưa tỉnh sau một đêm gần như thức trắng bỗng tươi hẳn lên. Niềm vui vỡ òa trong các trại sinh. Tự nhiên, thấy tập thể trường trở nên gần gũi và thân thương đến lạ.
Cuộc vui nào rồi cũng qua. Ba ngày, hai đêm của “Hội trại Thân thiện 8/3” kết thúc. Còn lại là dư vị ngọt ngào lắng đọng trong lòng mỗi thầy cô giáo. Từ cuộc vui, mỗi chúng ta có lẽ đều nhận thấy được sự đoàn kết, thân ái, gần gũi, sẻ chia giữa những con người trong một tập thể. Bất giác trong tôi vọng về câu nói: “Thương nhau mà sống” của thầy Hiệu trưởng Phạm Thanh Bửu.
Tác giả bài viết: Trương Thị Thủy-TTCM Ngữ văn