Gõ cửa trái tim … kể những chuyện trong lòng muốn nói

Người đăng: Ngày đăng: Lượt xem:

     Từ những ngày “chân ướt chân ráo” về đầu quân cho Trường THCS Nguyễn Lương Bằng đến nay đã được một thời gian không dài, nhưng quãng tháng ngày ấy cũng đủ bồi đắp và vun vén cho tâm hồn tôi một tình cảm thân thương với những con người nơi đây. Mái trường với những thầy cô giáo thân thiện đã gặt hái được nhiều “chiến tích” về dạy – học khiến cho tôi vô cùng ngưỡng mộ và muốn học hỏi; các em học sinh ngoan hiền, lễ phép, mang nét đẹp hồn nhiên của thời áo trắng. Tất cả điều đó tạo cho tôi một cảm xúc “tràn bờ” để nẩy lên một sự kính trọng với thầy cô giáo, một niềm yêu mến các em học trò, và là một thái độ quý mến đối với cán bộ, nhân viên nhà trường.

     Dẫu thời gian có chuyển dời khôn đổi, nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày tôi mới đặt chân nơi mái Trường THCS Nguyễn Lương Bằng. Buổi sớm hôm ấy, một sáng thứ hai đầu tuần se se gió lạnh, tôi nhẹ bước tiến vào phòng làm việc của thầy Hiệu trưởng để thầy phân công công việc thì tôi gặp cô Duệ trên dãy hành lang. Cô bảo tôi về “phòng một cửa” để chờ cô văn thư đến chuyển giao công việc. Khi ấy thời gian còn khá sớm, nên tôi quyết định dạo quanh trường một vòng trước khi đón nhận công việc. Hiện lên trước mắt tôi bây giờ là những cảnh vật vừa lạ lẫm vừa thân quen: những hàng cây xanh mát, những dãy phòng học, các phòng thiết bị, các phòng chức năng,… mà tôi đã từng nhìn thấy từ thời trung học. Và khi đưa mắt nhìn sang hòn non bộ nằm cạnh phòng giáo viên, tôi thầm nghĩ, chắc chắn nơi đây sẽ là nơi “nghỉ chân” của các thầy cô giáo trên chặng đường ươm mầm xanh tương lai sau mỗi giờ dạy. Đang chìm trong suy tư, tôi nghe tiếng trống tùng…tùng…như thúc giục người học trò nhỏ nhanh chân vào lớp chuẩn bị cho buổi chào cờ đầu tuần.

     Dù từng chứng kiến nhiều buổi chào cờ ở các trường, nhưng buổi sinh hoạt dưới cờ của Trường THCS Nguyễn Lương Bằng đã cho nhãn quan tôi một hình ảnh mới. Từ khung cảnh các em trong đội trống “nhà nghề” vẻ mặt trang nghiêm đánh từng nhịp trống, đến cách dẫn chương trình đầy thú vị của thầy Tổng phụ trách Đội sau giờ nghi lễ; hay đó còn là hình ảnh các em học sinh trật tự, nghiêm túc trong giờ sinh hoạt. Và mãi cho đến bây giờ, tôi còn nhận thấy các em học sinh Trường Nguyễn Lương Bằng luôn luôn lễ phép với thầy cô, nhân viên nhà trường qua cách “ứng xử, giao tiếp Sư phạm” mà khó có cơ sở Trung học nào sở hữu. Tất cả điều đó làm cho tôi trào dâng một cảm xúc tin yêu về ngôi trường này hơn.

     Mối “tơ duyên” của tôi với Trường THCS Nguyễn Lương Bằng chính thức bắt đầu khi tôi vào phòng một cửa và được chị Uyên – cô văn thư truyền nghề. Với tôi bây giờ, chị không chỉ là một đàn anh, đàn chị đi trước chọn cho tôi một lối đi an toàn khi hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ chi tiết, thiết thực trong công việc, mà đó còn là một người “thầy” mà tôi thầm kính mến. Theo tôi, chị là một người sẵn sàng giúp đỡ người khác khi chị nói “nếu không rõ cái gì, thì em cứ gọi điện cho chị”. Chính điều này làm tôi vơi bớt nỗi lòng lo lắng khi tiếp xúc với công việc mới lạ. Bên cạnh đó còn phải kể đến những lần chỉ bảo, chia sẻ của chị Phúc, thầy Lam, thầy Thiện, chị Hòa,… đã cho tôi một động lực không nhỏ để hoàn thành nhiệm vụ. Nhắc đến đây, tôi lại nhớ về những lời động viên, những chỉ dạy mà chắc có lẽ suốt cuộc đời này tôi không thể quên từ một người thầy – thầy Ngô. Lúc ấy, tôi “như con chim non” “nhìn quãng trời rộng” “còn ngập ngừng e sợ” (Thanh Tịnh), Thầy đã hướng dẫn, đốc thúc tôi hoàn thành những công việc được giao. Từ việc nhận được những điều tốt đẹp từ các thầy cô như vậy, mà tôi có thêm niềm tin, điểm tựa để tiếp tục dám nghĩ về ngày mai…

     Thế rồi thời gian cứ lặng lẽ nhẹ lướt qua để cái mùa thu có “hương đưa, gió lượn” cũng phải nhường chỗ cho những đợt gió đông tràn về se lạnh. Và những trận mưa rả rích lại có dịp kéo dài tạo cho con người ta một quãng trống để có dịp hồi tưởng về dòng kỷ niệm đong đầy. Nghĩ về thầy Bửu, tôi nhớ như in câu nói: “thầy tin em sẽ là người tiếp nhận và làm được công việc này” của vị Hiệu trưởng đáng kính. Giọng thầy thanh trong, sang trọng xen lẫn một sự kì vọng như tiếp cho tôi một nguồn năng lượng để vượt qua những khó khăn trong công việc. Chính Thầy đã cho tôi ước mơ, hi vọng và cả niềm tin về tương lai. Còn Cô Duệ, Thầy Cầu, mỗi người mang đến cho tôi những kiến thức bổ ích khác nhau khi giải trình cặn kẽ những thắc mắc trong công việc mà tôi mắc phải.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng khẳng định rằng:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau”

     Còn thầy Bửu của chúng tôi lại có quan điểm – “thương nhau mà sống”. Quả thật, “thương nhau mà sống”, dưới mái trường Nguyễn Lương Bằng, mọi người luôn yêu thương, giúp đỡ, quan tâm hỗ trợ lẫn nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Chắc có lẽ vì vậy, mà bản thân tôi được sự quan tâm, giúp đỡ rất nhiệt tình của các thầy cô trong trường. Dẫu ngày mai tôi phải rời xa nơi này, nhưng chắc chắn rằng mái trường THCS Nguyễn Lương Bằng văn minh – văn hóa – thân thiện sẽ luôn đọng mãi trong khối óc, trái tim tôi.

Những ngày đầu đông năm 2016
Trương Văn Lâm